Ngày 20/9/2018 tại Hà Nội, Ban quản lý Chương Trình OGAF đã tham gia tọa đàm đánh giá một số đặc điểm tồn tại ở các mô hình chăn nuôi áp dụng G.A.P (Global G.A.P, VietGAP/VietGAHP…) cho đối tượng khách mời tham gia là các cán bộ kỹ thuật về thú y-chăn nuôi từ các khu chăn nuôi thực xanh.
Cuộc thảo luận đánh giá đã sơ lược khái quát về thực tế hơn 10 năm kể từ khi ban hành vào ngày 28/1/2008 cũng như những tồn tại trong thực tế triển khai áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Nhìn lại quá trình hơn 10 năm vừa qua, các ý kiến đã thống nhất xác định một số tồn tại lớn bao gồm chủ yếu ở khâu giám sát tuân thủ các quy trình từ sản xuất, lưu thông, và phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều tổ chức được ủy quyền cấp chứng nhận VietGAP cho các cơ sở chăn nuôi/trồng trọt không khỏi dẫn đến việc khảo sát quy trình sản xuất tại các đơn vị đăng ký xin cấp giấy chứng nhận còn phải tiếp tục được cải thiện.
Thực tế trong thời gian vừa qua, đã có không ít các trường hợp đánh giá lại các trang trại được cấp chứng nhận VietGAP vẫn cho thấy những bất cập đối với các tiêu chí cụ thể, cũng như các quy định về VSATTP. Trong quản lý lưu thông và phân phối, đây đó vẫn có thông tin về các vụ việc những sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được gắn mác GAP và bán tới tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý một thực tế là không phải các cơ sở đạt G.A.P đều có chất lượng sản phẩm giống nhau. Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan của cơ sở, trong khi các tiêu chuẩn G.A.P chỉ đề ra các tiêu chí chung cần đạt. Một số cơ sở chăn nuôi đạt G.A.P nhưng có mức độ “hướng hữu cơ” mạnh hơn những cơ sở chỉ vừa đủ điều kiện chứng nhận. Do đó, G.A.P không thể chỉ ra sự khác biệt trong tính xanh, tính hữu cơ của nhiều loại sản phẩm ở “phân khúc vượt G.A.P.”.