OGAF: Phát triển các giải pháp chăn nuôi không kháng sinh.

Trung tuàn tháng 3/2019 tại Hà Nội, Ban điều hành Chương trình OGAF đã tổ chức trao đổi về các giải pháp nuôi không kháng sinh với cán bộ kỹ thuật của một số khu chăn nuôi.

Buổi trao đổi đã nêu khái quát hiện trạng  và các tồn tại trong quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay. Đồng thời cũng chỉ ra xu thế mới hướng tới nền chăn nuôi không kháng sinh (CNKKS) đang phát triển hiện nay trên thế giới cùng các giải pháp thực tiễn để đạt được mục tiêu này.

 

Trong các quy trình chăn nuôi an toàn, nhiều loại kháng sinh đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng. Con vật, trước khi giết thịt hoặc cung cấp trứng/sữa đều được ngăn chặn không cho sử dụng kháng sinh… Tuy nhiên những nghiên cứu khoa học cho thấy các chất kháng sinh đó vẫn tồn đọng ở các dạng khác nhau trong con vật (dư lượng). Và cuối cùng ,  con người- đối tượng tiêu thụ sau cùng- vẫn sẽ nhận các hậu quả. Kháng sinh có loại tồn dư nhiều trên sản phẩm động vật, có loại tồn dư ít. Nhưng dù ít hay nhiều đều có tác động xấu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tác hại của tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi không kém gì so với kích thích tố (chất kích thích tăng trưởng) mà ngành nông nghiệp đã cấm sử dụng. Nhu cầu con người càng ngày càng cao đòi hỏi các sản phẩm động vật trong chăn nuôi xanh, chăn nuôi hữu cơ phải “sạch” kháng sinh ngay từ lúc đầu..

Các đối tượng tham gia buổi giới thiệu cũng có cơ hội được phân biệt rõ hơn sự khác biệt của các khái niệm như  Vắc xin (vaccine) hay kháng sinh (antibiotics), Sức đề kháng (Resistance) hay dư lượng (Residual)…

 

Các chuyên gia tại buổi giới thiệu đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng phụ thuộc vào kháng sinh là do chất lượng môi trường nuôi nhốt kém, mật độ vật nuôi dày, cơ cấu thức ăn kém tính đa dạng đồng thời trình bày các phương pháp mới  quan trọng trong  thực hành CNKKS  chú trọng vào giảm mật độ, cải thiện điều kiện môi trường, tính đa dạng và hàm lượng dinh dưỡng trong cơ cấu thức ăn để nâng cao sức đề kháng tự nhiên của vật nuôi loại trừ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh.

Một giải pháp hỗ trợ cũng tương đối phổ biến, đang được nhiều nước sử dụng có hiệu quả và đã được đưa vào Việt Nam là dùng vi khuẩn hữu ích probiotics. Probiotic được hiểu một cách đơn giản là những vi sinh vật sống hữu ích được đưa trực tiếp vào cơ thể vật chủ qua đường miệng, khi cung cấp với số lượng đầy đủ sẽ có hiệu  quả sức khỏe tốt cho vật chủ. Probiotic giúp cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn trong đường ruột, ức chế vi khuẩn lên men thối mà phần lớn vi khuẩn lên men thối có liên quan tới vi khuẩn gây bệnh. Nếu loại vi khuẩn lên men thối không bị ức chế sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, các giải pháp xanh trong sử dụng thảo dược phòng trị một số bệnh thường gặp cũng được giới thiệu.