OGAF GIÚP NÂNG CAO TÍNH HỮU CƠ TRONG CHĂN NUÔI TUẦN HOÀN

Ngày 24/11 tại Hà Nôi, Chương trình OGAF đã tổ chức buổi tập huấn một số giải pháp thực hành chăn nuôi tuần hoàn cho đối tượng tham gia là cán bộ kỹ thuật về chăn nuôi-thú y.
Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây khái niệm Chăn nuôi tuần hoàn và rộng hơn là Nông nghiệp tuần hoàn đã được đề cập tới khá thường xuyên và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Chăn nuôi tuần hoàn đặt trọng tâm vào việc tái sử dụng phế thải và phụ phẩm có nguồn gốc hữu cơ của hoạt động chăn nuôi chính (khâu trước) làm đầu vào cho hoạt động tái sử dụng (ở khâu sau) giúp tận thu vật chất (chất dinh dưỡng) hoặc năng lượng đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. Việc tận thu, tận dụng chất dinh dưỡng được thực hiện thông qua các vi sinh vật, động vật thân mềm, ấu trùng của côn trùng và cây trồng. Các sản phẩm này lại được quay trở lại phục vụ chăn nuôi như một vòng tuần hoàn.
Về thực chất, các thực hành chăn nuôi tuần hoàn là không mới, chúng đã được tiến hành từ khá lâu tại Việt Nam nhưng mới được hệ thống hóa và đề cập nhiều hơn trong thời gian gần đây.
Mặc dù vậy, khác với nhiều nội dung quảng bá, cần hết sức lưu ý rằng cho dù các sản phẩm của hình thức chăn nuôi này được coi như thân thiện với môi trường hơn (giảm ô nhiễm và lãng phí tài nguyên) so với nhiều hình thức chăn nuôi truyền thống nhưng chúng chưa hẳn được đảm bảo về tính hữu cơ. Nhiều sản phẩm hiện đang có mặt trên thị trường với tên gọi khác nhau như lợn/gà giun quế, vi sinh, hay hữu cơ tuần hoàn, hoặc đệm lót sinh học… nhưng tính hữu cơ lại phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tuân thủ và sự đòi hỏi các nguyên tăc hữu cơ mà cơ sở chăn nuôi áp dụng trong toàn chu trình sản xuất chứ không phải vào một số giải pháp tuần hoàn được áp dụng.
Sản phẩm của mô hình chăn nuôi tuần hoàn vẫn sẽ không có tính hữu cơ cao nếu nguồn phân thải từ vật nuôi đang được điều trị bằng kháng sinh lại được tận dụng để “tuần hoàn”. Giun quế và các ấu trùng côn trùng được nuôi bằng nguồn phân này vẫn có thể còn dư lượng của thuốc. Kể cả khi bón cho cây trồng chúng vẫn để lại dư lượng trên những đối tượng này cũng như trong đất. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở chăn nuôi thương phẩm hiện nay đều chỉ tuần hoàn được một tỷ lệ phần trăm nhỏ về lượng thức ăn đầu vào trên tổng chất lượng thức ăn tiêu tốn để sản xuất đủ thịt thương phẩm. Do vậy, lượng thức ăn nhập từ bên ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn, VD đậu tương, bắp, khoáng, vitamin, premix…. Do đó, chất lượng của các nguồn thức ăn này phải được đánh giá thực sự chi tiết mới đảm bảo một chu trình hữu cơ hay hướng hữu cơ một cách nghiêm túc.
Tại buổi tập huấn, Tiến sỹ Thái Sơn, trưởng Ban kỹ thuật của OGAF đã trình bày sơ lược các giải pháp tuần hoàn, vốn đã được xây dựng và thực hiện ngay từ khi đưa vào vận hành các khu chăn nuôi. Tuy nhiên, tại OGAF, chúng được nhìn nhận đúng vai trò: chỉ là một cấu phần của Chuỗi nguyên tắc nghiêm ngặt toàn diện hơn rất nhiều nhằm đảm bảo tính hữu cơ của toàn bộ quy trình chăn nuôi.
Buổi tập huấn cũng giúp đại diện các cơ sở nhận diện nhiều tình huống cụ thể ảnh hưởng tới tính hữu cơ của sản phẩm chăn nuôi khi thực hành chăn nuôi tuần hoàn và tự đề ra giải pháp khắc phục.

Ảnh: OGAF chỉ chấp nhận vào vòng tuần hoàn (nuôi giun và trồng trọt) lượng phân từ khu chăn nuôi không kháng sinh với cơ cấu thức ăn tự nhiên được đánh giá chi tiết.