Định kỳ đánh giá chất lượng nước tại các khu lồng bè nuôi cá nước ngọt thuộc OGAF

Từ ngày 1/3 đến 5/3/2018 khu lồng bè nuôi cá nước ngọt thuộc OGAF đã tiến hành lấy mẫu nước định kỳ nhằm đánh giá tác động môi trường từ hoạt độngnuôi thả.

Mặc dù các điểm nuôi cá thuộc OGAF được lựa chọn với tiêu chuẩn rất cao về chấ lượng nguồn nước cũng như khả năng chịu tác động của các nguy cơ gây ô nhiễm là rất nhỏ so với các mô hình nuôi an toàn hay hướng hữu cơ thông thường trên sông hồ nhưng việc định kỳ quan trắc chất lượng nước vẫn được đặt ra một cách bắt buộc để bảo đảm sự cân bằng của môi trường nước đối với tác động từ hoạt động chăn nuôi. Nói cách khác, các lồng bè nuôi thuộc OGAF phải đảm bảo không có tác động tiêu cực tới môi trường nước.

Để thực hiện được điều này, ngoài đặc điểm thủy động tốt của dòng chảy, chất lượng nước mặt ổn định, quy trình nuôi cá phải được tiến hành một cách rất khoa học, lành mạnh với các thức ăn từ tự nhiên để cá khỏe mạn, phàm ăn và hầu như không có thức ăn thừa (đủ về lượng) dễ lên men thối.

Các chỉ tiêu quan trắc bao gồm hàm lượng oxy hòa tan, chỉ số cặn lơ lửng, các chỉ tiêu vi sinh tại các điểm nhạy cảm trong khu nuôi (giữa lồng nuôi sát đáy, giữa lồng nuôi lưng chừng, cuối lồng nuôi sát đáy và cuối lồng nuôi lưng chừng –theo hướng dòng chảy)

Kết quả quan trắc sẽ được phân tích, đánh giá để làm cơ sở điều chỉnh quy trình nuôi giúp liên tục duy trì chất lượng tốt và ổn định của môi trường nước nội vi khu nuôi cũng như làm căn cứ so sánh với chất lượng nước ngoại vi. Đây là điều hết sức cần thiết trong nuôi cá lồng bè cận hữu cơ và hữu cơ.