Đánh giá mức đa dạng của hệ sinh vật nền trong các Khu sinh thái

Nhằm xác định khả năng cung cấp các nguồn thức ăn từ tự nhiên (thực vật, côn trùng và động vật thân mềm) cho vật nuôi cận hữu cơ từ các khu nuôi thả, Ban kỹ thuật của OGAF đã tổ chức đợt đánh giá lại mức độ đa dạng của hệ sinh vật nền tại các khu nuôi thả G02 và B01.

Đợt đánh giá còn là dịp tìm hiểu khả năng tự phục hồi của hệ sinh vật nền sau quá trình nuôi thả cũng như sau các biến động của thời tiết (chuyển mùa). Thông qua đợt đánh giá, đã ghi nhận sự phục hồi tốt của thảm thực vật cũng như hệ sinh vật đất. Đây cũng là các nhân tố chủ yếu giúp quá trình tự làm sạch diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn, chuyển đổi các dạng hữu cơ thành sinh khối hữu ích, giảm mầm bệnh trong môi trường.

Từ tháng 10/2017, các hoạt động đánh giá và đánh giá lại liên tục được diễn ra nhằm đảm bảo chất lượng của các khu nuôi thả xanh luôn ở mức độ tốt nhất, hoạt động chăn nuôi được hưởng lợi nhưng phải cân bằng, không gây ra các tác động xấu tới môi trường. Tính xanh, tính hữu cơ luôn được đề cao trong tổng hòa của hệ sinh thái nông nghiệp. Một số giải pháp xanh như bổ sung phân hữu cơ, bổ sung sinh khối giun, dẫn dòng nước sạch… cũng dược giới thiệu nhằm áp dụng trong trung và dài hạn giúp tăng độ màu mỡ của đất đai, tăng độ hoạt động của các sinh vật đất và qua đó mang lại sức sống và năng suất sinh khối cao hơn cho thực vật trên bề mặt.

Đợt đánh giá còn có sự tham gia của các chuyên gia từ hội bảo vệ thiên nhiên, môi trường của địa phương.