GIỚI THIỆU

Chăn Nuôi Thực Xanh (CNTX) - cách nói rút gọn của nội dung Thực Hành Chăn Nuôi Xanh Với Các Nguyên Tắc Hữu Cơ Trong Một Số Khu Sinh Thái Tuyển Chọn ( OGAF) -l à Chương Trình được thực hiện chủ yếu tại một số khu vực đã tham gia Dự án Phát triển chăn nuôi tại Vùng cao Tây Bắc  Việt Nam (PALD), do Tổ chức Nông nghiệp và Thú Y không biên giới (AVSF)  thực hiện với sự quản lý của Viện chăn nuôi Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nhằm đảm bảo các yêu cầu rất khắt khe mang tính đặc thù của loại hình chăn nuôi hữu cơ, Chương trình CNTX (OGAF) chỉ được triển khai rất giới hạn trong một số ít khu chăn nuôi sinh thái tuyển chọn có đủ điều kiện phát triển thành các mô hình chăn nuôi xanh tiệm cận hoặc tương đương với các mô hình chăn nuôi hữu cơ chuẩn, tạo nguồn tham khảo cho phát triển chăn nuôi hữu cơ và hướng hữu cơ.

I. CHĂN NUÔI THỰC XANH LÀ GÌ?

CNTX là việc thực hành đúng và hiệu quả các giải pháp chăn nuôi xanh theo các nguyên tắc hữu cơ cho toàn bộ quy trình chăn nuôi -(không chỉ dừng lại ở cơ cấu thức ăn) - giúp đưa hoạt động chăn nuôi về gần gũi với tự nhiên, sản phẩm chăn nuôi có giá trị dinh dưỡng cao và an lành cho sức khoẻ con người, đồng thời đảm bảo tôn trọng các đặc tính sinh trưởng tự nhiên của vật nuôi và hoà hợp với hệ sinh thái. CNTX được xem là toàn diện hơn nhiều so với chăn nuôi xanh thông thường.

Về thực chất, đây là phương thức huy động một cách khoa học các tiềm năng của hệ sinh thái, kiến thức chuyên môn và khả năng vật chất của con người để mang lại tính hữu cơ, tính tự nhiên cho sản phẩm chăn nuôi (thịt, cá, trứng...) ở mức cao nhất trong điểu kiện cho phép.
Trong khi việc đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ nổi tiếng và được chấp nhận rộng rãi như USDA Organic, EU Organic ...(không phải các tiêu chuẩn riêng hay tự cải sửa ở cấp cơ sở) vẫn luôn được xem là rất khó khăn cho mọi cơ sở chăn nuôi tại Việt Nam do khó đảm bảo toàn bộ nguồn hạt (ngũ cốc) làm thức ăn đầu vào đạt chuẩn hữu cơ cũng như khó thỏa mãn hàng loạt các yêu cầu khắt khe khác thì tại các khu sinh thái tuyển chọn có điều kiện môi trường phù hợp, với sự đầu tư tốt về vật chất và tri thức khoa học, các nguyên tắc thực hành trong CNTX được xem là khả thi, gần gũi và tiệm cận một cách toàn diện nhất với các tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ này so với nhiều mô hình chăn nuôi hướng hữu cơ đơn giản hiện nay [Tham khảo: Các nguyên tắc chính trong CNTX-OGAF tại đây]

Khác với đa số các mô hình chăn nuôi xanh hay hướng hữu cơ sơ khởi chủ yếu thường chỉ áp dụng đơn lẻ một vài giải pháp bổ sung một số loại thức ăn tự nhiên như: phụ phẩm nông nghiệp, giun đỏ/giun quế, ốc, tảo, thảo dược... vào cơ cấu thức ăn (khâu dinh dưỡng), Chăn Nuôi Thực Xanh ngoài việc áp dụng tất cả các giải pháp đó một cách đúng đắn và hiệu quả nhất (giúp loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn và chế phẩm bổ sung dinh dưỡng công nghiệp) còn phải đảm bảo mô hình chăn nuôi không kháng sinh, không thuốc thuỷ sản và các chế phẩm công nghiệp thông qua việc áp dụng tiếp cận hữu cơ trong chăm sóc sức khoẻ vật nuôi, thân thiện với môi trường sinh thái. Đây được coi là hình thức chăn nuôi khó nhưng gần gũi và hướng hữu cơ mạnh nhất hiện nay, khắt khe hơn rất nhiều so với các yêu cầu trong quy trình GAP (VietGAP, Global GAP) vốn được áp dụng rộng rãi cho chăn nuôi sản lượng cao, chăn nuôi công nghiệp [tham khảo các so sánh CNTX với CN Hữu cơ tại đây]

Ở nhiều khía cạnh, CNTX được xem là gần gũi với một số hình thức chăn nuôi truyền thống, dân dã trong quá khứ - khi môi trường chưa bị ô nhiễm, mầm bệnh chưa nhiều, tập quán sử dụng thức ăn xanh (rau, bèo, cỏ...) còn phổ biến, chưa có sự phổ biến của thức ăn và các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng công nghiệp như hiên nay. Tuy nhiên, vượt hơn các hình thức chăn nuôi này, CNTX còn phải đảm bảo loại trừ tất cả các rủi ro như nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm, tồn dư hoá chất từ môi trường bị ô nhiễm hiện nay thâm nhiễm vào chuỗi thức ăn của vật nuôi dân dã (phân gia súc, nước thải, hoá chất...) hay nhiễm kháng sinh do sự tuỳ tiện, trong chữa trị và thiếu kiến thức của chăn nuôi "dân dã" khi vật nuôi bị bệnh...

Hiện nay một số cơ sở chăn nuôi đã bước đầu hướng "xanh" hướng hữu cơ bằng cách bổ sung thay thế một phần thức ăn công nghiệp bằng một số loại thức ăn tự cung như bã rượu, hèm bia, giun quế, ốc bươu .... hoặc áp dụng các giải pháp vi sinh hay chữa bệnh bằng thảo dược. Tuy nhiên, đa phần mới chỉ dừng lại ở một mức độ khiêm tốn trong khâu dinh dưỡng vật nuôi mà chưa đi sâu toàn diện và có hiệu quả cao ở cả các khâu quan trọng khác. Tại nhiều nơi, các thông tin quảng cáo mang nặng yếu tố thương mại chỉ với hàm ý gia tăng tính hữu cơ , tính tự nhiên của sản phẩm cho dù đa phần cơ cấuthức ăn chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn công nghiệp. Sự thay thế thực tế là không đáng kể. Bất chấp các nội dung quảng bá (vốn khó được kiểm định và giám sát liên tục) khoảng cách đến chăn nuôi xanh, chăn nuôi hữu cơ còn rất xa vời. Các bất cập trong nhiều khâu quan trọng khác như vệ sinh phòng bệnh/chăm sóc sức khoẻ vật nuôi, tác động tương hỗ từ môi trường sinh thái , đảm bảo các đặc tính tự nhiên.... vốn đòi hỏi nhiều kiến thức và cần được đào tạo bài bản lại không được đề cập tới một cách cụ thể .

II. CÁC NGUYÊN TẮC CHÍNH TRONG CNTX- OGAF

Các nguyên tắc và yêu cầu chính đối với CNTX-OGAF được cụ thể hóa theo 4 nhóm sau:

(1) Chất lượng môi trường/ hệ sinh thái tiểu khu chăn nuôi: [Xem chi tiết hơn tại đây]

(2) Giống vật nuôi: [xem chi tiết hơn tại đây]

(3)Thức ăn chăn nuôi: [xem chi tiết hơn tại đây]

(4) Quản lý, chăm sóc sức khoẻ và phúc lợi vật nuôi: (xem chi tiết)

III. QUY MÔ THỰC HIỆN

Là hình thức chăn nuôi khó và đòi hỏi nhiều yếu tố đảm bảo, Chương trình OGAF- CNTX chỉ quản lý 3 dự án nhỏ cho 3 nhóm vật nuôi với một số ít các khu chăn nuôi chọn lọc như sau:

- Gia súc (lợn) và đại gia súc (bò,ngựa...): 2 khu chăn nuôi [xem chi tiết]
- Gia cầm (gà, chim bồ câu): 3 khu nuôi thả [xem chi tiết]
- Thuỷ sản (cá nước ngọt): 2 khu lồng bè và ao nuôi [xem chi tiết]

OGAF-Chăn Nuôi Thực Xanh: thông tin tổng quan

Mốc thời gian Giai đoạn chuẩn bị : 3/2015- 12/2017
Giai đoạn thực hiện: 1/2018- 11/2025
Sau 2025: Duy trì ổn định một số khu chăn nuôi thực xanh mẫu
Vùng địa lý Vùng phụ cận rừng quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) và núi Tản; Vùng lòng hồ ((Yên Bái, Sơn La)
Quản lý và điều phối Văn Phòng Quản Lý Các Khu Chăn Nuôi Thực Xanh - Chương Trình Thực Hành Chăn Nuôi Xanh Với Các Nguyên Tắc Hữu Cơ Trong Một Số Khu Sinh Thái Tuyển chọn (OGAF);
Trung Tâm Phát Triển Nông Nghiệp Sinh Thái và NS Tiêu chuẩn cao

Tầng 3, Trung Tâm Nghiên Cứu và Huấn Luyện chăn nuôi, Viện Chăn Nuôi Quốc Gia
Số 175.Vạn Phúc, Hà Đông,.Hà Nội
Tham gia thực hiện - Các chuyên gia , nhà khoa học về chăn nuôi-thú y, chuyên gia về môi trường và sinh thái học nông nghiệp ;
- Cơ quan quản lý thú y và khuyến nông tại một số địa phương đã tham gia vào Dự án Phát triển chăn nuôi tại Vùng cao Tây Bắc  Việt Nam (PALD) do Tổ chức Nông nghiệp và Thú Y không biên giới (AVSF)  thực hiện với sự quản lý của Viện chăn nuôi Quốc gia,
- Các khu chăn nuôi sinh thái được tuyển chọn
Liên hệ Văn phòng Quản Lý Các khu Chăn Nuôi Thực Xanh (Chương trình OGAF)
Tầng 3, Trung Tâm Nghiên Cứu và Huấn Luyện Chăn Nuôi, Viện Chăn Nuôi Quốc Gia
Số.:175 Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
www.ogaf.vn Email: info@ogaf.vn Tel. (024)666 16597

Phòng Thông tin và Triển lãm sản phẩm Chăn nuôi Thực xanh (OGAF)
Tầng 3, Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp -Bộ Nông Nghiệp và PT. Nông Thôn.
Số 489 Hoàng Quốc Việt, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội
www.channuoithucxanh.vn Hotline: 098 160 9486