OGAF GIÚP NÂNG CAO TÍNH HỮU CƠ TRONG CHĂN NUÔI TUẦN HOÀN

Ngày 24/11 tại Hà Nôi, Chương trình OGAF đã tổ chức buổi tập huấn một số giải pháp thực hành chăn nuôi tuần hoàn cho đối tượng tham gia là cán bộ kỹ thuật về chăn nuôi-thú y.
Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây khái niệm Chăn nuôi tuần hoàn và rộng hơn là Nông nghiệp tuần hoàn đã được đề cập tới khá thường xuyên và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Chăn nuôi tuần hoàn đặt trọng tâm vào việc tái sử dụng phế thải và phụ phẩm có nguồn gốc hữu cơ của hoạt động chăn nuôi chính (khâu trước) làm đầu vào cho hoạt động tái sử dụng (ở khâu sau) giúp tận thu vật chất (chất dinh dưỡng) hoặc năng lượng đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. Việc tận thu, tận dụng chất dinh dưỡng được thực hiện thông qua các vi sinh vật, động vật thân mềm, ấu trùng của côn trùng và cây trồng. Các sản phẩm này lại được quay trở lại phục vụ chăn nuôi như một vòng tuần hoàn.
Về thực chất, các thực hành chăn nuôi tuần hoàn là không mới, chúng đã được tiến hành từ khá lâu tại Việt Nam nhưng mới được hệ thống hóa và đề cập nhiều hơn trong thời gian gần đây.
Mặc dù vậy, khác với nhiều nội dung quảng bá, cần hết sức lưu ý rằng cho dù các sản phẩm của hình thức chăn nuôi này được coi như thân thiện với môi trường hơn (giảm ô nhiễm và lãng phí tài nguyên) so với nhiều hình thức chăn nuôi truyền thống nhưng chúng chưa hẳn được đảm bảo về tính hữu cơ. Nhiều sản phẩm hiện đang có mặt trên thị trường với tên gọi khác nhau như lợn/gà giun quế, vi sinh, hay hữu cơ tuần hoàn, hoặc đệm lót sinh học… nhưng tính hữu cơ lại phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tuân thủ và sự đòi hỏi các nguyên tăc hữu cơ mà cơ sở chăn nuôi áp dụng trong toàn chu trình sản xuất chứ không phải vào một số giải pháp tuần hoàn được áp dụng.
Sản phẩm của mô hình chăn nuôi tuần hoàn vẫn sẽ không có tính hữu cơ cao nếu nguồn phân thải từ vật nuôi đang được điều trị bằng kháng sinh lại được tận dụng để “tuần hoàn”. Giun quế và các ấu trùng côn trùng được nuôi bằng nguồn phân này vẫn có thể còn dư lượng của thuốc. Kể cả khi bón cho cây trồng chúng vẫn để lại dư lượng trên những đối tượng này cũng như trong đất. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở chăn nuôi thương phẩm hiện nay đều chỉ tuần hoàn được một tỷ lệ phần trăm nhỏ về lượng thức ăn đầu vào trên tổng chất lượng thức ăn tiêu tốn để sản xuất đủ thịt thương phẩm. Do vậy, lượng thức ăn nhập từ bên ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn, VD đậu tương, bắp, khoáng, vitamin, premix…. Do đó, chất lượng của các nguồn thức ăn này phải được đánh giá thực sự chi tiết mới đảm bảo một chu trình hữu cơ hay hướng hữu cơ một cách nghiêm túc.
Tại buổi tập huấn, Tiến sỹ Thái Sơn, trưởng Ban kỹ thuật của OGAF đã trình bày sơ lược các giải pháp tuần hoàn, vốn đã được xây dựng và thực hiện ngay từ khi đưa vào vận hành các khu chăn nuôi. Tuy nhiên, tại OGAF, chúng được nhìn nhận đúng vai trò: chỉ là một cấu phần của Chuỗi nguyên tắc nghiêm ngặt toàn diện hơn rất nhiều nhằm đảm bảo tính hữu cơ của toàn bộ quy trình chăn nuôi.
Buổi tập huấn cũng giúp đại diện các cơ sở nhận diện nhiều tình huống cụ thể ảnh hưởng tới tính hữu cơ của sản phẩm chăn nuôi khi thực hành chăn nuôi tuần hoàn và tự đề ra giải pháp khắc phục.

Ảnh: OGAF chỉ chấp nhận vào vòng tuần hoàn (nuôi giun và trồng trọt) lượng phân từ khu chăn nuôi không kháng sinh với cơ cấu thức ăn tự nhiên được đánh giá chi tiết.

Trồng bổ sung diện tích cây thuốc nam và một số loại thảo dược phòng và trị bệnh cho vật nuôi hướng hữu cơ trong khu P02

Từ 28-30/6/2020 tại khu chăn nuôi P02 đã tiến hành trông bổ sung một số loại cây thuốc nam trong danh sách đề nghị các loại thảo dược hỗ trợ phòng và trị bệnh bởi Ban kỹ thuật. Diện tích trồng đợt này chủ yếu là các loại cây thân thảo như Bồ công anh, Kim ngân, Cỏ ba chẽ, Cỏ xước, Mơ lông,

Được coi là một trong những giải pháp xanh quan trọng trong thực hành chăn nuôi hữu cơ, sử dụng thảo dược để phòng và trị một số bệnh thường gặp luôn được OGAF coi trọng và áp dụng ở các khu chăn nuôi của mình. Bên cạnh các loại thảo dược dùng ở dạng tươi, trực tiếp, một số loại thảo dược ở dạng khô (bột) như quế, hồi từ những nguồn cung cấp bảo đảm cũng được phối trộn vào thức để phòng hoặc trị bệnh khi có các dấu hiệu bất thường đối với sức khỏe của vật nuôi.

Mặc dù vậy, trái với nhiều quảng bá mang mục đích thương mại cho một số sản phẩm chăn nuôi, thảo dược không phải là “thần dược trị được bách bệnh” trị được nhiều loại bệnh nguy hiểm mắc phải trên vật nuôi và do đó không nên và không thể được coi là một giải pháp thay thế hoàn toàn cho các nguyên tắc quản lý chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh một cách khoa học. Việc đảm bảo môi trường chăn nuôi trong lành, tuân thủ sự cách ly khỏi các nguồn bệnh và đặt trọng tâm vào việc nâng cao sức đề kháng từ bên trong cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng và vận động lành là ưu tiên hàng đầu  . Sử dụng lạm dụng thảo dược còn có thể gây nên các tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe vật nuôi và do đó mang đến nguy cơ phải sử dụng các loại thuốc tổng hợp để chữa trị và làm giảm hoặc mất tính hữu cơ của sản phẩm chăn nuôi, vd: đầy bụng, khó tiêu hay thậm chí bỏng đường tiêu hóa do sử dụng quá nhiều tinh dầu trong thảo dược…

OGAF: Trao đổi về Gắn kết các Giải pháp xanh với tính bền vững của môi trường tự nhiên trong các khu chăn nuôi hữu cơ.

Sáng 20/12/2019 tại Hà Nội, Ban thông tin Chương trình OGAF  đã tổ chức thành công buổi Trao đổi về “Gắn kết phát triển các giải pháp chăn nuôi xanh với tính  bền vững của môi trường tự nhiên trong các khu chăn nuôi hữu cơ”.

Đây là buổi trao đổi được tổ chức thường kỳ với sự góp mặt của các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thú y-chăn nuôi, bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường và sinh thái học nông nghiệp.

Nội dung trao đổi gồm 3 chủ đề chính:

NÂNG CAO KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG CỦA HỆ SINH VẬT NỀN VỚI NHU CẦU CỦA VẬT NUÔI HỮU CƠ

NÔNG NGHIỆP XANH, NÔNG NGHIỆP SINH THÁI VÀ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

KHẮC PHỤC CÁC NHƯỢC ĐIỂM THỔ NHƯỠNG VÀ ĐỊA HÌNH TRONG PHÁT TRIỂN NGUỒN THỨC ĂN XANH.

Từ kết quả tổ chức thành công cuộc trao đổi  lần thứ nhất, OGAF đã nâng cao tính hiệu quả của cuộc trao đổi lần thứ 2 giúp chia sẻ sâu rộng hơn thông qua các tham luận cung cấp kiến thức, kinh nghiệm và thực tế thực hành các giải pháp xanh, các vấn đề liên quan đến xây dựng và thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn đánh giá, quy hoạch, và vận hành các khu nuôi thả hữu cơ và cận hữu cơ.

Cũng thông qua cuộc trao đổi lần này, các vấn đề mang tính gợi mở về việc phát triển các khu chăn nuôi mang tính thân thiện hơn với môi trường góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cuối cùng cũng như đảm bảo tính bền vững cho các hoạt động kinh tế nói chung. Đặc biệt là trong bối cảnh những sức ép  về vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên bức thiết.

Bên lề cuộc trao đổi, đã có những không gian giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi hướng tự nhiên, chăn nuôi xanh cận hữu cơ. Các giải pháp thay thế sản phẩm hóa học bằng các chế phẩm  từ thực vật, vi sinh vật và thân thiện với môi trường cũng được đem ra giới thiệu và hướng dẫn cách thức áp dụng.

Kể từ năm 2020, Hội thảo sẽ được tổ chức 2 năm một lần để đáp ứng nhu cầu giao lưu khoa học, cập nhật các kiến thức, các kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ.

OGAF: Báo cáo tác động của các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm trong một khu chăn nuôi xanh hướng hữu cơ tại vùng đồi Trung du ”.

Sáng 16/8/2019 Ban kỹ thuật OGAF đã tổ chức buổi trình bày “Báo cáo tác động của các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm trong một số điểm chăn nuôi  xanh hướng hữu cơ tại vùng đồi Trung du”. Tại buổi trình bày, Ths. Trần Hà phó trưởng ban điều phối Chương trình OGAF đã thay mặt nhóm đánh giá trình bày các kết quả đánh giá tại một số mô hình trang trại chăn nuôi xanh hướng hữu cơ tiêu biểu hiện nay trên các đối tượng vât nuôi là gia súc và đại gia súc tại vùng Trung Du Bắc Bộ.

Tham dự buổi trình bày, ngoài Ban điều phối OGAF,  khách mời là các cán bộ chuyên trách về thú y-chăn nuôi tại một số địa phương, còn có đại diện của khu chăn nuôi đã có lịch sử áp dụng các quy trình chăn nuôi sạch vào thực tế sản xuất, các đơn vị phụ trách kinh doanh…

Báo cáo đã tóm lược một số nét lớn về đặc điểm và thực trạng các mô hình chăn nuôi sạch/an toàn theo các tiêu chuẩn và quy trình phổ biến hiện nay như VietGAP, Hữu Cơ… cũng như các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và các trở ngại trong việc khăc phục các bất cập.

Các nhân tố được chỉ ra chủ yếu được phân theo nhóm ảnh hưởng mang tính khách quan và chủ quan như: thị hiếu thị trường, con giống, cơ cấu và công tác giám sát chất lượng thức ăn, đặc điểm và điều kiện môi trường chăn nuôi, trình độ cán bộ chăm sóc và theo dõi thú y, quy trình và tiêu chuẩn chăm sóc thực tế được áp dụng. Báo cáo cũng chỉ ra một vấn đề ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm ở đại đa số các mô hình khảo sát là chất lượng và điều kiện môi trường tiểu vùng và tiểu khu chăn nuôi.

Ở hầu hết các mô hình, điều kiện chăn nuôi chủ yếu là tận dụng các diện tích nhàn rỗi để quây nhốt theo hình thức cao sản nhằm tăng sản lượng và hạ giá thành sản phẩm nên mặc dù đã xác định được phần lớn các yếu tố ản hưởng, chất lượng sản phẩm cũng vẫn còn những giới hạn khó có thể khắc phục. Các mô hình có áp dụng các đánh giá và khảo sát khoa học về môi trường (điều kiện không gian, hệ sinh vật, điều kiện địa lý…) vẫn còn rất it và manh mún. Tình trạng phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp hoặc chế phẩm bổ sung dinh dưỡng tổng hợp còn khá phổ biến.

Báo  cáo cũng đưa ra khuyến nghị về hướng phát triển các mô hình chăn nuôi hướng hữu cơ  chất lượng cao với các tiêu chí kỹ thuật và quản lý mới giúp khắc phục các hạn chế đã được chỉ ra.

OGAF: Triển khai cung cấp sản phẩm gia cầm từ khu nuôi thả G01

Cuối tháng 5/2019  một số sản phẩm gia cầm từ khu nuôi thả tự nhiên số 01 thuộc OGAF đã bắt đầu được đưa vào khai thác.

Được khảo sát đánh giá và lựa chọn từ nửa đầu năm 2015, khu nuôi thả tự nhiên số 01 nằm tại địa bàn huyện miền núi Tân Sơn, Tỉnh Phú Thọ, nơi đáp ứng được hầu hết các tiêu chí của một khu nuôi thả tự nhiên thuộc Chương trình OGAF. Giống như ở các khu nuôi thả khác trong Chương trình, tại khu nuôi thả này, các cá thể gia cầm được tự do vận động và kiếm tìm thức ăn trong môi trường với đầy đủ thảm thực vật và hệ côn trùng phong phú; mọi nguồn bổ sung chế phẩm dinh dưỡng công nghiệp, hay các chất kháng sinh đều được loại bỏ. Với đặc điểm địa lý đặc thù vùng cao, khu nuôi thả số 1 cũng được cách ly tốt với các hoạt động công nghiệp và thương mại hay chăn nuôi gia cầm tập trung bởi con người, qua đó đảm bảo sự trong lành của môi trường.

Được đánh giá là các sản phẩm thuần sạch, chất lượng cao của mô hình chăn nuôi cận hữu cơ trong tự nhiên, cùng với sản phẩm từ các khu nuôi thả khác thuộc Chương trình, sản phẩm từ khu nuôi thả G01 cũng sẽ được trưng bày triển lãm và giới thiệu một cách trực tiếp tại Phòng Thông tin và Triển lãm sản phẩm của Chương trình.

Thông tin truy xuất nguồn gốc gia cầm, cùng các thông tin có liên quan khác cũng sẽ được ghi rõ trên tất cả các sản phẩm.

OGAF: Phát triển các giải pháp chăn nuôi không kháng sinh.

Trung tuàn tháng 3/2019 tại Hà Nội, Ban điều hành Chương trình OGAF đã tổ chức trao đổi về các giải pháp nuôi không kháng sinh với cán bộ kỹ thuật của một số khu chăn nuôi.

Buổi trao đổi đã nêu khái quát hiện trạng  và các tồn tại trong quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay. Đồng thời cũng chỉ ra xu thế mới hướng tới nền chăn nuôi không kháng sinh (CNKKS) đang phát triển hiện nay trên thế giới cùng các giải pháp thực tiễn để đạt được mục tiêu này.

 

Trong các quy trình chăn nuôi an toàn, nhiều loại kháng sinh đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng. Con vật, trước khi giết thịt hoặc cung cấp trứng/sữa đều được ngăn chặn không cho sử dụng kháng sinh… Tuy nhiên những nghiên cứu khoa học cho thấy các chất kháng sinh đó vẫn tồn đọng ở các dạng khác nhau trong con vật (dư lượng). Và cuối cùng ,  con người- đối tượng tiêu thụ sau cùng- vẫn sẽ nhận các hậu quả. Kháng sinh có loại tồn dư nhiều trên sản phẩm động vật, có loại tồn dư ít. Nhưng dù ít hay nhiều đều có tác động xấu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tác hại của tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi không kém gì so với kích thích tố (chất kích thích tăng trưởng) mà ngành nông nghiệp đã cấm sử dụng. Nhu cầu con người càng ngày càng cao đòi hỏi các sản phẩm động vật trong chăn nuôi xanh, chăn nuôi hữu cơ phải “sạch” kháng sinh ngay từ lúc đầu..

Các đối tượng tham gia buổi giới thiệu cũng có cơ hội được phân biệt rõ hơn sự khác biệt của các khái niệm như  Vắc xin (vaccine) hay kháng sinh (antibiotics), Sức đề kháng (Resistance) hay dư lượng (Residual)…

 

Các chuyên gia tại buổi giới thiệu đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng phụ thuộc vào kháng sinh là do chất lượng môi trường nuôi nhốt kém, mật độ vật nuôi dày, cơ cấu thức ăn kém tính đa dạng đồng thời trình bày các phương pháp mới  quan trọng trong  thực hành CNKKS  chú trọng vào giảm mật độ, cải thiện điều kiện môi trường, tính đa dạng và hàm lượng dinh dưỡng trong cơ cấu thức ăn để nâng cao sức đề kháng tự nhiên của vật nuôi loại trừ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh.

Một giải pháp hỗ trợ cũng tương đối phổ biến, đang được nhiều nước sử dụng có hiệu quả và đã được đưa vào Việt Nam là dùng vi khuẩn hữu ích probiotics. Probiotic được hiểu một cách đơn giản là những vi sinh vật sống hữu ích được đưa trực tiếp vào cơ thể vật chủ qua đường miệng, khi cung cấp với số lượng đầy đủ sẽ có hiệu  quả sức khỏe tốt cho vật chủ. Probiotic giúp cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn trong đường ruột, ức chế vi khuẩn lên men thối mà phần lớn vi khuẩn lên men thối có liên quan tới vi khuẩn gây bệnh. Nếu loại vi khuẩn lên men thối không bị ức chế sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, các giải pháp xanh trong sử dụng thảo dược phòng trị một số bệnh thường gặp cũng được giới thiệu.

OGAF sơ kết công tác triển khai phối hợp thực hiện các tiểu phần Dự án chăn nuôi thực xanh- Giai đoạn 2016- 2018.

Ngày 20/3/2019 đã diễn ra buổi sơ  kết công tác triển khai phối hợp thực hiện các tiểu phần Dự án chăn nuôi thực xanh cho 4 nhóm vật nuôi tại các khu chăn nuôi: đại gia súc, gia súc, gia cầm và thủy sản..

Tại buổi làm viêc, ông Nguyễn Thái Sơn đại diện Ban điều hành đã trình bày đánh giá tổng kết các nội dung đã thực hiện tính tới cuối Quý IV năm 2018 của các phần nhiệm vụ mà Ban phải tham gia với tư cách điều phối viên hoặc trực tiếp phát triển.

Tính đến cuối 2018 một số  nội dung trong các tiểu phần thực hiện đã được triển khai ổn định và mang lại kết quả rất tích cực. Một số tiểu phần khác hiện đang trong thời gian khảo sát, đánh giá và xây dựng quy trình triển khai thực hiện.

Tại buổi tổng kết, quản lý các khu chăn nuôi thuộc Chương trình cũng đã  đóng góp và chỉ ra một số điểm cần khắc phục trong thời gian tới nhằm sớm đưa kết quả và sản phẩm  của các Dự án trực thuộc vào phổ biến tới các khu chăn nuôi hữu cơ ở các khu vực khác, cũng như tạo hiệu ứng tốt trong việc khẳng định tính khả thi của các giải pháp chăn nuôi xanh, chăn nuôi hữu cơ..

Ứng dụng vi sinh vật trong cải tạo môi trường và tăng sức đề kháng cho vật nuôi trong chăn nuôi xanh, chăn nuôi hữu cơ

Trong ngày 23-24/12/2018 Ban quản lý Chương trình OGAF đã tổ chức tham quan tìm hiểu các khả năng  áp dụng vi sinh vật trong cải tạo môi trường và tăng sức đề kháng cho vật nuôi tại các khu chăn nuôi xanh, hướng hữu cơ.

Đây là phần nội dung tương đối quan trọng trong Chuyên đề  thực hành loại trừ  các chế phẩm sinh hóa và kháng sinh trong chăn nuôi hữu cơ.

Qua trao đổi và đánh giá, các cán bộ chăn nuôi-thú y đã khái lược những kết quả triển khai tại một số địa điểm chăn nuôi có sử dụng các chế phẩm sinh học phổ biến đồng thời tiến hành các thống kê so sánh tạo tiền đề cho các phân tích tổng hợp hiện trạng áp dụng các tiến bộ về vi sinh trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Thế Sơn, trưởng nhóm tư vấn OGAF, cho rằng việc sử dụng các chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi tại nước ta, trên thực tế, đã diễn ra trong một thời gian và đã có những kết quả nhât định. Tuy nhiên, việc đánh giá một cách khoa học về mức độ phù hợp (chủng vi sinh, loài vật nuôi, cơ cấu thức ăn, quy mô trang trại, đặc điểm khí hậu….), khả năng và quy mô áp dụng là chưa tốt dẫn tới kém hiệu quả trong nhiều mô hình.

Hiện nay, một số Dự án nông nghiệp đang có kế hoạch tư vấn hoặc cộng tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học tiến hành khảo sát lựa chọn nhiều loại chế phẩm vi sinh có hiệu năng cao, hoàn toàn thân thiện với môi trường và sức khỏe vật nuôi đã được sử dụng ổn định lâu dài ở nhiều mô hình chăn nuôi uy tín trong vùng và trên thế giới.

Báo cáo đánh giá kết quả triển khai giai đoạn 1 Dự án chăn nuôi thực xanh: Các tác động từ hệ sinh thái (Chương trình OGAF)

Ngày 30/11/2018 tại Hà Nội, Văn phòng quản lý Chương trình OGAF) tổ chức buổi đánh giá kết quả triển khai giai đoạn 1 của Dự án khu chăn nuôi thực xanh: Các tác động từ hệ sinh thái. Tham dự buổi báo cáo, ngoài lãnh đạo Ban quản lý Chương trình, cán bộ kỹ thuật và quản lý chăn nuôi-thú y thuộc khu chăn nuôi, còn có đại diện từ hội bảo vệ môi trường địa phương.
Buổi báo cáo đã đánh giá kết quả triển khai các công tác thuộc giai đoạn 1 của Dự án, trong đó đặt trọng tâm vào các khâu xác định tiêu chí/quy trình, chuẩn bị khảo sát lựa chọn, đánh giá lần 2, cải tạo môi trường nội khu và thực tế triển khai nuôi thả.
Các đại diện đã tập trung lắng nghe và thảo luận các phản hồi mang tính kỹ thuật cũng như quản lý của đội ngũ các nhà khoa học và quản lý từ Chương trình và các địa phương.
Ban tư vấn kỹ thuật của OGAF đã đóng góp tham luận về các yếu tố ảnh hưởng từ góc độ chuyên môn cũng như phương pháp triển khai và huy động nguồn lực.
Các đại biểu đều khẳng định và chia sẻ các đánh giá tích cực về kết quả bước đầu trong thực hiện giai đoạn 1 và thống nhất phương hướng phát triển tiếp theo về quy mô thực hiện. Kết quả đánh giá sẽ được tiếp tục phân tích và tổng hợp để triển khai có kết quả các giai đoạn phát triển tiếp theo nhằm hiện thực hóa các ý nghĩa của Chương trình góp phần tiếp tục nâng cao tính hữu cơ của hoạt động chăn nuôi xanh.

Tọa đàm đánh giá so sánh các thực hành G.A.P với chăn nuôi xanh và hữu cơ

Ngày 20/9/2018 tại Hà Nội, Ban quản lý Chương Trình OGAF đã tham gia tọa đàm đánh giá một số đặc điểm  tồn tại ở các mô hình chăn nuôi áp dụng G.A.P (Global G.A.P,  VietGAP/VietGAHP…) cho đối tượng khách mời tham gia là các cán bộ kỹ thuật về thú y-chăn nuôi từ các khu chăn nuôi thực xanh.

Cuộc thảo luận đánh giá đã sơ lược khái quát về thực tế hơn 10 năm kể từ khi ban hành vào ngày 28/1/2008 cũng như những tồn tại trong thực tế triển khai áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn.

Nhìn lại quá trình hơn 10 năm vừa qua, các ý kiến đã thống nhất xác định một số tồn tại lớn bao gồm chủ yếu ở khâu giám sát tuân thủ các quy trình từ sản xuất, lưu thông, và phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều tổ chức được ủy quyền cấp chứng nhận VietGAP cho các cơ sở chăn nuôi/trồng trọt không khỏi dẫn đến việc khảo sát quy trình sản xuất tại các đơn vị đăng ký xin cấp giấy chứng nhận còn phải tiếp tục được cải thiện.

Thực tế trong thời gian vừa qua, đã có không ít các trường hợp đánh giá lại các trang trại được cấp chứng nhận VietGAP vẫn cho thấy những bất cập đối với các tiêu chí cụ thể, cũng như các quy định về VSATTP. Trong quản lý lưu thông và phân phối, đây đó vẫn có thông tin  về các vụ việc những sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được gắn mác GAP và bán tới tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một thực tế là không phải các cơ sở đạt G.A.P đều có chất lượng sản phẩm giống nhau. Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan của cơ sở, trong khi các tiêu chuẩn G.A.P chỉ đề ra các tiêu chí chung cần đạt. Một số cơ sở chăn nuôi đạt G.A.P nhưng có mức độ “hướng hữu cơ” mạnh hơn những cơ sở chỉ vừa đủ điều kiện chứng nhận. Do đó, G.A.P  không thể chỉ ra sự khác biệt trong tính xanh, tính hữu cơ của nhiều loại sản phẩm ở “phân khúc vượt G.A.P.”.